Điều hành một tổ chức đào tạo tiếng Anh lớn gần 10 năm nay, đi dạy cho rất nhiều học viên ở nhiều lứa tuổi khác nhau, làm việc cùng nhiều giáo viên Việt Nam và nước ngoài, huấn luyện và đào tạo nhiều giảng viên và dìu dắt họ trên con đường nghề nghiệp, tôi thấy nghề giáo viên tiếng Anh thực sự là một nghề cực kỳ thú vị nhưng không dễ. Vì tiếng Anh là một môn học có một chút logic, rất nhiều ngoại lệ, nhưng đòi hỏi sự kiên trì trong một thời gian rất dài để có thể sử dụng được nó. Chính vì thế, nghề giáo viên tiếng Anh không thể chỉ dừng lại ở những bài giảng hay, mà nó còn đòi hỏi sự theo sát, kèm cặp và thúc đẩy học viên trong một thời gian dài, và cả một chiến lược đào tạo phức tạp. Trong nghề giáo dạy tiếng Anh có hình bóng của rất nhiều nghề giàu thách thức thú vị.
Giáo viên tiếng Anh là ca sỹ và nhạc trưởng
Cũng đúng thôi. Vì một giáo viên tâm huyết và nhiệt tình với nghề nghiệp thì sẽ thường ưu tiên dạy nói và phát âm. Và dĩ nhiên là giáo viên thường xuyên phải phát âm, phải nói, phải làm mẫu, và phải nhắc đi nhắc lại vài âm đã giảng khi người học luyện tập và mắc lỗi. Khi nói giáo viên cũng phải “lên trầm xuống bổng” cho đúng ngữ điệu của tiếng Anh. Rồi sau đó họ lại làm nhạc trưởng để hướng dẫn “dàn đồng ca” lớp học luyện từng âm vị rời rạc, rồi phát âm theo từng từ, và tiếp đến là cả câu với việc lấy hơi, giữ nhịp, giữ hơi để nói trọn vẹn một câu dài, nhưng lại phải biết phân nhịp để nói cho đúng ngữ điệu trong mỗi cụm từ của câu. Bài ca của ca sĩ mang tên giáo viên tiếng Anh cứ lặp đi lặp lại trong suốt nhiều tiết học mỗi ngày. Và mỗi tiết học luyện âm, mỗi ngày “ca hát” như vậy trôi qua, người giáo viên tiếng Anh về nhà bỗng trở nên ít nói lạ thường, vì thực sự họ chẳng còn sức đâu để mà nói. Thậm chí họ đi nằm sớm hơn, vì nói nhiều và nói to khiến lưng đau, gối mỏi. Và họ phải nghỉ ngơi để hôm sau có sức tiếp tục “hát” bài ca luyện âm quen thuộc.
Giáo viên tiếng Anh là người trồng vườn
Nếu như người trồng vườn gieo hạt giống, chăm sóc chúng mỗi ngày, và nhìn chúng lớn lên… thì nghề giáo dạy tiếng Anh cũng gieo những hạt giống ngôn ngữ mỗi ngày trong người học, và rồi chăm sóc. Nhưng khổ nhất là họ ít khi có cơ hội được ngắm hạt giống đó lớn lên mỗi ngày, mà thay vào đó là suốt ngày chạy theo “mảnh vườn” (là người học) để vun tưới, chăm sóc bằng những lời động viên, và cả những “cáu giận một cách nhân văn” để nhắc nhở học viên phải học và phải luyện tập chăm hơn… “Mảnh vườn” học viên thường bướng bỉnh, không chịu cho những mầm ngôn ngữ đó lớn lên mỗi ngày bằng việc kiên trì luyện tập nghiêm túc, thay vào đó họ có nhiều thú vui và mối quan tâm khác mỗi ngày đủ để hạt giống tiếng Anh ngủ quên hoặc trôi tuột đi theo dòng thời gian. Những người trồng vườn tận tụy lại phải nhặt nhạnh lại những hạt giống và gieo lại trên “mảnh vườn” bướng bỉnh ấy một cách kiên trì và nhẫn nại hơn nữa. Họ lại phải tìm thêm nhiều biện pháp để vừa giám sát, quản lý, vừa khuyến khích, thúc đẩy. Ở lần gieo trồng lại này, họ luôn phải để mắt nhiều hơn, dặn dò thường xuyên hơn, và tỏ ra kỷ luật hơn để người học thực sự rèn luyện, cho hạt giống nảy mầm và phát triển.
Giáo viên tiếng Anh là diễn viên kiêm đạo diễn
Đó là vì họ luôn ở trên “sân khấu” lớp học trước các “khán giả” học viên và phải đóng đủ mọi thứ vai trong bất kỳ bài hội thoại, phim tình huống, hay bài thuyết trình nào… để làm mẫu, hoặc ít nhất là truyền cảm hứng cho học viên thực hành theo với quan điểm là thầy là người Việt như trò, thầy làm được thì trò cũng sẽ làm được. Với mỗi loại câu nói, người giáo viên tiếng Anh lại phải kỳ công thể hiện cho đúng thái độ, ngữ điệu và chất giọng… sao cho người học cảm nhận được rõ nhất bối cảnh sử dụng ngôn ngữ của những câu giao tiếp khó mà họ đang giảng. Khi yêu cầu học viên thực hành, người giáo viên lại trở thành đạo diễn để chỉnh sửa giọng nói, ngôn từ và ngữ điệu cho người học, nhắc nhở người học về bối cảnh sử dụng và những lưu ý khi vận dụng những loại câu đặc biệt như tiếng lóng hay những thành ngữ trong giao tiếp. Mà người học thì thích những giờ diễn hơn là những giờ giảng giảng, học học, nên “đạo diễn” giáo viên lại phải kỳ công tìm kiếm kịch bản sao cho vừa đúng và đủ về chức năng ngôn ngữ, vừa vui vẻ, sống động để các học trò của mình muốn “diễn” và “diễn” hay. Đôi khi giáo viên lại phải làm anh chàng quay phim để ghi lại những màn thực hành sống động của học trò, và chiếc máy quay phim chính là chiếc điện thoại của mình. Nhưng những kỷ niệm như thế này thường luôn đẹp và đáng nhớ, nên nó cũng đáng để giáo viên kỳ công chuẩn bị.
Giáo viên tiếng Anh là lập trình viên
Người giáo viên giỏi không phải chỉ giảng thật hay những bài học, mà họ là người lập kế hoạch tỉ mỉ từ đầu đến cuối để người học đến được đích mong muốn là một số điểm cao trong bài thi tiếng Anh quốc tế, hay đơn giản hơn là sự tiến bộ rõ rệt về kỹ năng giao tiếp tiếng Anh. Chính vì vậy, người thầy dạy tiếng Anh phải có một chương trình chặt chẽ từ đầu đến cuối gồm số từ vựng phải dạy, số bài đọc, bài nghe phải luyện, số mẫu câu phải nắm vững, số lần thực hành tối thiểu để có thể thành thục đối với từng bài tập rèn luyện kỹ năng thực hành tiếng cho học viên, mà ở đó họ phải tính toán tỉ mỉ các khả năng xảy ra tình huống học tập, các phương án chính và phụ để sẵn sàng thay đổi linh hoạt trong thực tiễn để đảm bảo khi người học đã bước vào khóa học là sẽ về đích sau một khoảng thời gian xác định. Làm được điều này quả là không dễ. Nó đòi hỏi người thầy phải có một sự am tường sâu sắc những nội dung mình đang dạy và có một kinh nghiệm dày dặn để lường trước các biến số và khó khăn. Dân gian thường ví von “thầy giáo già, con hát trẻ” là vì thế. Chưa hết, giáo viên tiếng Anh giỏi còn phải biết “cài đặt” trong đầu học viên những “chương trình” khoa học và giàu cảm hứng để họ luôn khát khao, chủ động, tích cực học tiếng Anh, và luôn học tiếng Anh đúng phương pháp và quy trình đã đặt ra.
Giáo viên tiếng Anh là người bán hàng và là anh công nhân
Thực chất, giáo viên tiếng Anh sản xuất ra sản phẩm tại chỗ. Họ giống như một người công nhân lao động sản xuất miệt mài, chỉ khác là họ không làm ra sản phẩm hữu hình cụ thể, mà sản phẩm của họ là những bài giảng, những giờ học đọng lại trong tri thức và cảm xúc của học viên. Khi bước vào “xưởng sản xuất” là lớp học, họ cũng phải sản xuất nghiêm túc, miệt mài, thực hiện đúng quy trình và đầy đủ các khâu mục được đề ra trong giáo án… như bất cứ người lao động nào. Mỗi giây phút họ giảng dạy cũng là lúc sản phẩm được sản xuất ra và tiêu dùng đồng thời tại chỗ bởi học viên. Học viên thường phải trả tiền cho những giờ học đó. Và khi chuyển sang quan hệ mua và bán dưới góc độ kinh tế học, thì giáo viên tiếng Anh chính là người bán hàng. “Khách hàng” học viên của họ không mang được về các sản phẩm hữu hình, mà họ chỉ có thể lưu giữ nó trong kho tri thức của họ đang tăng lên sau mỗi buổi học, và cũng rất nhanh chóng rơi vãi sau một hai ngày xa rời lớp học. Chính vì thế “người bán hàng và người công nhân” giáo viên lại phải tiếp tục nỗ lực sản xuất, và tiếp tục bán những giờ giảng hấp dẫn và giá trị nhất trong khả năng có thể của mình. Vì chỉ có thế họ mới được “khách hàng” học viên khen ngợi và cảm thấy họ trả những đồng tiền xứng đáng.
Giáo viên tiếng Anh là huấn luyện viên và người truyền lửa
Tiếng Anh là môn học của kỹ năng nhiều hơn kiến thức. Một cách ví von mà nói, học tiếng Anh khó chịu như trò chơi leo cột mỡ, vất vả như cuộc chạy marathon, chính vì thế người thầy tiếng Anh xuất sắc phải là một huấn luyện viên tài ba và là một người truyền ngọn lửa cảm hứng bất tận cho người học. Kiến thức tiếng Anh là ngữ pháp và từ vựng, nhưng người ta lại dùng tiếng Anh để Nghe, Nói, Đọc, Viết và có thể là cả Dịch thuật nữa, mà tất cả những điều ấy đều là Kỹ Năng. Kiến thức thì có thể giảng để người học hiểu được, nhưng kỹ năng thì phải do người học tự thân nghiêm túc thực hành mới có được. Việc thực hành lặp đi lặp lại với những từ vựng rời rạc, những bài đọc khó khăn, những bài nghe rối rắm, và những bài nói, bài viết đầy lỗi dù đã luyện tập nhiều lần… là những việc rất dễ gây chán nản đối với người học. Lúc ấy người thầy tiếng Anh xuất sắc nhận ra rằng bài giảng rất hay của mình chỉ có thể trang bị kiến thức hay cái hiểu đúng cho học viên; mà hiểu thôi thì mới chỉ là những bước đầu tiên của chặng đua marathon vất vả trước mặt, mà người chạy lại là học viên. Để học viên kiên trì và đủ sức chạy về đích, người thầy phải tìm mọi biện pháp thúc đẩy tinh thần, thúc đẩy thực hành liên tục trong mọi giờ học với một ý chí kiên trì, bền bỉ. Phàm là người học tiếng Anh thì hay phát âm sai, hay viết sai, nói sai… những điều đã được giảng đi giảng lại. Học viên nhận thức được việc nói sai, nhưng họ vẫn mắc lỗi, đó là vì họ chưa kịp thời thay đổi và chưa cài đặt được trong mình thói quen ngôn ngữ mới là tiếng Anh. Quán tính của thói quen cũ khiến họ sai, dù cái đầu họ đủ khả năng nhận thức và biết cách nói đúng. Chính vì thế mà người học dễ cảm thấy thất vọng vào bản thân và dễ nản. Lúc ấy người thầy đúng mực phải trở thành người truyền lửa với một thái độ tin tưởng tuyệt đối vào khả năng của học viên, cùng với những lời nói, câu chuyện đầy nhân văn và sức cổ vũ tinh thần mạnh mẽ để vực dậy những con người chán nản, thổi căng khát vọng và ý chí của học trò. Hơn nữa, người thầy xuất sắc lại phải kịp thời đưa ra giải pháp học tập thông minh hơn nữa để người học thấy con đường khả dĩ để có thể bước tiếp, thay vì chỉ đưa ra những lời cổ vũ suông. Mọi lời mắng mỏ hay thái độ thể hiện thiếu niềm tin vào năng lực của họ viên thì chỉ có hại mà thôi. Giáo viên tiếng Anh cũng là con người, khi học trò lười nhác hoặc mắc lỗi họ cũng muốn nổi cáu, nhưng là “huấn luyện viên và người truyền lửa” thì họ buộc phải kiểm soát lời nói và cảm xúc của mình. Dù giận dữ, họ vẫn luôn phải nói những lời xây dựng để vun trồng khát vọng và niềm tin cho người học.