Trong bối cảnh Việt Nam chúng ta đang ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, ngoại ngữ có vai trò quan trọng trong việc phát triển Đất nước cũng như trong đời sống, xã hội. Vì vậy, trang bị kiến thức ngoại ngữ ngay từ khi còn cắp sách đến trường là yêu cầu hết sức cấp bách đối với mỗi học sinh. Tuy nhiên, việc dạy và học ngoại ngữ tại các trường, các cấp học ở Việt Nam hiện nay còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập của Đất nước. Làm thế nào để nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong trường học là vấn đề cấp thiết, đòi hỏi cả một quá trình lâu dài và sự hỗ trợ của các ngành các cấp và toàn xã hội.
Trước xu thế hội nhập, nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các trường, các cấp học và trình độ đào tạo, là nội dung quan trọng trong định hướng năm học 2018 – 2019. Thế nhưng hiện nay, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD – ĐT) cả nước vẫn thiếu hơn 5.600 giáo viên tiếng Anh. Đi cùng đó là chất lượng giáo viên ngoại ngữ chưa cao, chưa đạt chuẩn, cụ thể: ở cấp Trung học Cơ sở (THCS) có chỉ 33% giáo viên đạt chuẩn và ở cấp Trung học Phổ thông (THPT) là 26%.
Chất lượng GV tiếng Anh đang là nỗi trăn trở của ngành Giáo dục. (Hình minh họa)
Năm học mới bắt đầu, nhiều địa phương cho biết thiếu giáo viên như: Thanh Hóa, Lai Châu thiếu khoảng 300 giáo viên tiếng Anh; Bến Tre vẫn còn thiếu hơn 100 giáo viên ngoại ngữ tiểu học… Tình trạng này không chỉ xảy ra ở các tỉnh, mà còn ở các thành phố lớn. Tại TP. Hồ Chí Minh theo Sở GD – ĐT cho biết ở Phòng GD-ĐT các quận huyện, gần như đơn vị nào cũng thiếu giáo viên tiếng Anh. Việc tuyển dụng cũng gặp nhiều khó khăn đặc biệt về tiêu chuẩn, chất lượng. Trong năm học 2018 – 2019, ở cấp THPT tại TP. Hồ Chí Minh cần tuyển tổng 427 giáo viên các môn thì có đến 70 chỉ tiêu là giáo viên tiếng Anh chiếm 14%.
Việc thiếu giáo viên ngoại ngữ, đi kèm trình độ giáo viên chưa đảm bảo, chưa đạt chuẩn dẫn đến hiệu quả đào tạo môn học này chưa cao. Trong kết quả thi THPT vừa qua cho thấy tiếng Anh là môn thi có điểm trung bình 3,91, thấp thứ hai sau môn Lịch sử, với gần 80% thí sinh đạt điểm dưới trung bình. Vì vậy, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên tiếng Anh cũng là một trong những ưu tiên để chuẩn bị áp dụng chương trình phổ thông mới trong năm học 2019 – 2020. Cũng là nội dung và nhiệm vụ chủ yếu năm học 2018 – 2019 của ngành Giáo dục.
Để nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong nhà trường phổ thông hiện nay là chuyện không phải một sớm một chiều, mà đòi hỏi quá trình dài, bắt đầu từ bậc tiểu học cho đến bậc THPT và có sự đầu tư liên tục về mọi mặt như đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất. Ngành GD – ĐT phải đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong nhà trường. Cụ thể, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của ngoại ngữ trong cuộc sống học tập và lao động, công tác trong thời kỳ hội nhập được đặt lên hàng đầu. Chính công tác này sẽ làm tác động liên quan đến quá trình dạy học thay đổi các quan niệm chưa đúng trong học tập, giảng dạy, quản lý và giáo dục đối với dạy học ngoại ngữ hiện nay.
Việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên là giải pháp then chốt để nâng cao chất lượng dạy và học. Các nhà trường cần yêu cầu các giáo viên bộ môn Ngoại ngữ khi xây dựng giáo án, nội dung bài giảng cần phải chú trọng những kiến thức cơ bản, nâng cao phù hợp với từng đối tượng học sinh, đồng thời tăng cường sử dụng các phòng học chức năng của môn Ngoại ngữ để nâng cao khả năng nghe, nói, đọc, viết tăng thêm hứng thú học cho học sinh. Vì thế, trong năm mới này 2018 – 2019, ngành GD – ĐT sẽ tiến hành khảo sát, đánh giá, phân loại lại toàn bộ đội ngũ giáo viên tiếng Anh đang giảng dạy ở cấp tiểu học, THCS, THPT theo chuẩn mới của Bộ. Từ đó, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng thích hợp, đáp ứng yêu cầu mới.
Việc đào tạo giáo viên tiếng Anh căn cứ vào quy mô và yêu cầu mới trong mục tiêu dạy học ngoại ngữ ở phổ thông, đồng thời đào tạo, bồi dưỡng theo chuyên đề, theo chuẩn quy định của khung năng lực ngoại ngữ cho giáo viên dạy tiếng Anh ở cấp tiểu học, THCS, nhất là giáo viên đang giảng dạy chương trình tự chọn từ lớp 3. Đặc biệt, để có một đội ngũ giáo viên ngoại ngữ vừa hồng vừa chuyên, các địa phương phải đổi mới phương thức tuyển dụng giáo viên. Cụ thể, các đơn vị sẽ kết hợp xem xét kết quả học tập, đào tạo, hồ sơ cá nhân với phỏng vấn và khảo sát kiến thức, năng lực ngôn ngữ thực tế. Từ đó, tuyển dụng và bố trí giáo viên đáp ứng đủ yêu cầu dạy học ngoại ngữ theo lộ trình. Bộ trưởng Bộ GD – ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng chỉ ra rằng: “Vấn đề mấu chốt để nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ là đội ngũ giáo viên nhưng thời gian qua họ chưa được đầu tư thỏa đáng khiến chất lượng dạy và học thấp. Việc dạy và học ngoại ngữ trong nhà trường còn quá chú trọng hàn lâm”.
Để dạy học đạt chất lượng, phương pháp dạy của giáo viên là cực kỳ quan trọng. Vì vậy, thầy cô giáo là người tiên phong đổi mới phương pháp dạy, đồng thời tăng cường bồi dưỡng phương pháp, thói quen, khả năng tự học cho học sinh. Tốt hơn hết là, giáo viên tạo điều kiện để học sinh thực hành giao tiếp bằng ngoại ngữ, khuyến khích các em tham gia các chương trình học theo chương trình chuẩn Cambridge (là chương trình dạy và cấp bằng các môn cơ bản tại phổ thông chịu sự quản lý của Hội đồng Khảo thí quốc tế Cambridge (CIE), được lưu hành trên toàn cầu dưới hình thức nhượng quyền thương mại. Chương trình gồm Cambridge tiểu học, Cambridge THCS và Cambridge IGCSE), ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin cho việc học hoặc khai thác các tài liệu bằng ngoại ngữ để trau dồi vốn từ của mình. Tổ chức nhiều chương trình hoạt động ngoài giờ lên lớp cho học sinh các lớp giao lưu bằng Tiếng Anh bằng cách cho các em sinh hoạt trong các câu lạc bộ.
Đưa thêm môn học tự chọn: Dạy Toán bằng Tiếng Anh cho học sinh. Một trong những đia phương làm tốt việc này là tỉnh là Bến Tre, được Bộ GD – ĐT chọn làm 1 trong 4 tỉnh, thành phía Nam triển khai “Đề án ngoại ngữ đến năm 2020” và những năm tiếp theo (Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2016 – 2020). Hàng năm Sở GD – ĐT có chủ trương tăng thêm 1 tiết/tuần so với thời lượng quy định của Bộ ở mỗi khối lớp nâng tổng số 4 tiết/tuần ở bậc TH, 3 tiết/tuần ở cấp THCS và THPT. Đối với ngoại ngữ 2, tiếng Pháp, từ năm 2014-2015, các trường sẽ dạy học theo chương trình mới với thời lượng 3 tiết/tuần ở bậc THCS và THPT. Riêng Trường THPT Chuyên Bến Tre, tiến hành dạy môn toán, tin học bằng tiếng Anh, sử dụng SGK song ngữ. Đây là cơ hội để thầy cô, học sinh nhà trường nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ.
Giải pháp rất quan trọng là đầu tư cơ sở vật chất cho các trường cũng là một giải pháp quan trọng. Các phòng học Tiếng Anh được đầu tư bài bản với tivi nối mạng internet, các khẩu hiệu trong nhà trường đều là song ngữ. Với mục đích tạo ra một môi trường và không khí học Tiếng Anh sôi nổi. Các nhà trường phải đầu tư thiết bị dạy học trong phòng dạy học ngoại ngữ theo danh mục quy định của Bộ GD – ĐT và tập trung cho các trường đạt chuẩn quốc gia. Trang bị cho mỗi trường TH, THCS, THPT đều có phòng học ngoại ngữ đạt chuẩn quốc gia. Đăc biệt phòng dạy và học ngoại ngữ chất lượng cao.
Một tiết học ngoại ngữ của của học sinh THPT tại tỉnh Thanh Hóa
Theo thầy giáo Trần Như Chuyên – Nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Đào Duy Từ (TP Thanh Hóa) cho biết: “Chất lượng dạy và học Tiếng Anh hiện nay là một vấn đề mang tính xã hội. Do đó, trước hết cần nâng cao nhận thức của người dân và các em học sinh về tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ; cần có giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên không chỉ về chuyên môn mà còn cả về cái tâm với nghề; ngoài phương tiện, máy móc trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học cần được trang bị thì một chương trình phù hợp với trình độ học sinh và tiếp cận được với thị trường lao động là hết sức cần thiết.”
Để nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ cũng cần có chính sách đãi ngộ cho Giáo viên hợp lý. Ở TP. Hồ Chí Minh tuy trình độ giáo viên tiếng Anh và mặt bằng sử dụng tiếng Anh của học sinh cao hơn nhiều tỉnh, thành phố khác nhưng tỷ lệ chỉ có trên 10% đạt chuẩn và ở mức thấp cũng là nỗi lo của ngành giáo dục TPHCM. Để nâng cao trình độ, năng lực sử dụng tiếng Anh cho giáo viên, ngành giáo dục TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức bồi dưỡng cho hàng ngàn giáo viên các bậc học hàng năm. Thực hiện đề án: “Phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp”. Vì thế để tạo môi trường giao tiếp bằng tiếng Anh chuẩn cho học sinh thì phải tiến hành đồng bộ các giải pháp và ưu tiên số một vẫn là có chính sách tuyển dụng, trả lương hợp lý cho giáo viên giỏi, có năng lực tiếng Anh đạt chuẩn. Hàng năm Thành phố phải tuyển nhiều giáo viên bản ngữ người Anh, Philippines, Australia, Canada…
Để đổi mới và nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong nhà trường phổ thông và đạt được mục tiêu mà “Đề án dạy và học ngoại ngữ” của Bộ GD – ĐT đưa ra còn rất nhiều vấn đề khó khăn, đòi hỏi phải có sự nỗ lực, cố gắng của các thầy, cô giáo các em học sinh, cùng các giải pháp đồng bộ của các ngành, các cấp quản lý thì chất lượng dạy và học ngoại ngữ mới đạt chất lượng và hiệu quả cao./.