Thế giới mở cửa, nhu cầu nhân lực ngành biên – phiên dịch phục vụ công tác giao lưu, đối ngoại của các cơ quan, doanh nghiệp lớn hơn bao giờ hết.
Cần lượng lớn biên – phiên dịch chuyên nghiệp
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, nghề biên-phiên dịch là một trong những nghề “hot” nhất của nhóm ngành khoa học xã hội hiện nay.
“Đây là một nghề đòi hỏi tính chuyên nghiệp rất cao. Nhu cầu thì luôn rộng mở. Tất cả các doanh nghiệp, cơ quan đơn vị đều cần đến những người giỏi ngoại ngữ, có khả năng biên – phiên dịch một cách chính xác và thông minh, khéo léo nhằm mang lại hiệu quả cho công việc của họ”, ông Tuấn cho biết.
Tại TP.HCM, mỗi năm cần khoảng 1.000 biên dịch viên (dịch viết). Phiên dịch viên (dịch nói) thì số lượng lớn hơn nhiều lần. Ngoài tiếng Anh ra, hiện nay, các ngôn ngữ Nhật, Hàn, Trung Quốc cũng rất cần người có khả năng biên phiên dịch, phục vụ cho các doanh nghiệp nước họ tại Việt Nam, cũng như các doanh nghiệp, đơn vị Việt Nam có mối quan hệ với nước họ.
Về thu nhập, ông Tuấn nhận định: “Mức lương của người biên – phiên dịch thông thường từ 10-15 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên nếu phiên dịch cho các chuỗi hội nghị, thương thuyết cao cấp thì lương được tính theo giờ, từ vài trăm đô trở lên cho một buổi. Với các ngôn ngữ hiếm như Đức, Ý, Pháp thì lương còn cao hơn”.
Để trở thành người biên – phiên dịch giỏi, thành thạo ngoại ngữ vẫn chưa đủ!Giỏi ngoại ngữ chưa đủ!
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Tứ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết nghề biên – phiên dịch cần chuyên môn cao, nhưng bên cạnh đó, cần có kiến thức rộng và sâu về các lĩnh vực mà mình đang được giao nhiệm vụ biên – phiên dịch. “Ngoài ra, bạn phải am hiểu về văn hóa, xã hội, tình hình thời sự… Tiếng Việt của bạn cũng phải giỏi để có thể chuyển ngữ một cách chính xác, uyển chuyển, linh hoạt. Bạn cũng cần có một phản xạ nhanh, một tính cách cẩn thận và chăm chỉ”.
Tại các trường ĐH có đào tạo ngành ngôn ngữ Anh thường có chuyên ngành biên – phiên dịch. Cơ hội việc làm của sinh viên ngành này rộng mở hơn nhiều ngành khác, ví dụ có thể làm hướng dẫn viên du lịch quốc tế, làm tại các công ty dịch thuật, làm thông dịch viên cho các công ty, cơ quan hoặc làm trong lĩnh vực truyền thông, báo chí.
Theo ông Trần Anh Tuấn, để trở thành người biên – phiên dịch giỏi, phải có một quá trình dài cả 5-10 năm trau dồi, trải nghiệm ở nhiều công việc và lĩnh vực khác nhau.