Những khó khăn trước mắt mà giáo viên Việt Nam phải đối mặt đó là thu hẹp khoảng cách trình độ giữa mình và đồng nghiệp người bản xứ, đồng thời họ cũng phải vượt ra sức ép khá lớn từ dư luận khi nền giáo dục nói chung ở Việt Nam đang bị thế giới bỏ lại đằng sau.
Bạn biết không, tiếng Anh là một ngôn ngữ mà bạn sẽ thấy dễ dàng tiến bộ khi mới bắt đầu học, nhưng càng học sâu hơn bạn càng thấy nó RỘNG bao la như đại dương. Đương nhiên là để có trình độ giao tiếp thông thạo tương đương như người bản xứ (ở cùng trình độ học vấn) thì sẽ cực kỳ khó khăn và bạn không nhất thiết phải ngay lập lức nói giống họ.
Nếu bạn từng biết đến phân tích sự khác nhau giữa chữ Latin và chữ tượng hình của giáo sư, triết gia Lương Kim Định thì bạn sẽ biết: các bộ chữ Latin phát triển theo chiều ngang trong khi đó chữ tượng hình phát triển theo chiều dọc. (1)
Ví dụ, lấy 5 từ tiếng Anh như sau để truy ra sự phát triển của tiếng Anh theo thời gian:
– “English”: có nguồn gốc từ bộ lạc German – người Angles
– “Beef”: du nhập từ tiếng Pháp là Boeuf từ thời Trung Cổ.
– “Dictionary”: vay mượn từ cuốn sách La tinh thời trung cổ dictionarius liber nghĩa là “Cuốn sách của những từ ngữ”
– “Tea”: bắt nguồn từ tiếng Trung Quốc, theo tiếng quan thoại (phổ thông) là Chá, đọc theo Mân ngữ là te.
– “Emoji”: phát triển ở Nhật Bản vào những năm 1990 do các thanh thiếu niên sử dụng trên máy nhắn tin; từ emoji xuất phát từ tiếng Nhật “e – bức tranh” + “moji – ký tự”.
Mỗi từ vựng trong 5 từ vựng trên được ra đời trong những khoảng thời gian khác nhau trong lịch sử của tiếng Anh và chúng cho chúng ta thấy gốc từ và tích từ được hình thành và phát triển theo từng nhóm ảnh hưởng khác nhau. Nghĩa là: Nếu có một nhóm người nào đó, mang tới những nước nói tiếng Anh một trào lưu mới, những sự thay thế mới mẻ thì đồng nghĩa sẽ có thêm những từ vựng tiếng Anh mới trong cuốn từ điển và mặc nhiên cách viết và cách phát âm nhiều khi theo cách dùng của nhóm tạo ra sự biến chuyển đó. (2), (3)
Bộ âm trong bảng các phiên âm tiếng Anh gồm có 44 âm (nguyên và phụ âm), tuy nhiên để biết khi nào viết: “e” mà đọc là /e/ hay đọc là /i/, hay là /ə/ là điều vô cùng khó khăn bởi vì trong danh sách từ vựng tiếng Anh thuộc bộ phiên âm này có quá nhiều trường hợp ngoại lệ.
Khi tôi và các đồng nghiệp trên con đường hoàn thiện khả năng tiếng Anh nói chung của mình, thì đồng thời chúng tôi cũng phải đối mặt với thách thức về sự am hiểu rộng lớn như vậy trong tiếng Anh. Chắc chắn sẽ có những lỗi sai, mà nhất là những lỗi sai về phát âm tiếng Anh. Nhưng điều đó có đáng để dư luận phủ nhận tất cả các vai trò khác của một người thầy?
Xét về lợi thế ban đầu, giáo viên người Việt dạy tiếng Anh sẽ có mức am hiểu về những khó khăn của những người Việt khác khi học ngôn ngữ này. Nếu giáo viên Việt Nam chịu khó thay đổi ngày càng tiệm cận hơn với mức chuẩn của người bản xứ thì hiệu quả giảng dạy sẽ ngày càng tăng. Cũng tương tự thế, giáo viên bản xứ nếu tìm hiểu nhiều hơn về những khó khăn trong phát âm nói riêng hay những lỗ hổng trong quá trình học ngôn ngữ Anh nói chung của người Việt thì chắc chắn sẽ là những người thầy giỏi (Dan Hauer nhiều khả năng là một trong số đó).
Hiện tại, ở Việt Nam, từ khi nhà nước bắt đầu nhìn nhận vai trò của tiếng Anh từ sau năm 1975 thì nó cũng chỉ được coi là môn học phụ ở cấp phổ thông. Cho tới năm 1986, khi đất nước bắt đầu hội nhập thì mới có những hệ 7 năm, 9 năm và dần tới 12 năm như hiện nay. (4)
Có thể suy đoán, những giáo viên người Việt trẻ tuổi dạy tiếng Anh vào độ tuổi từ 25-35 thường là lứa được học chương trình đào tạo sau này nên trình độ tiếng Anh có phần nhỉnh hơn so với nhóm giáo viên với độ tuổi từ 40 tuổi trở lên nói chung. Như vậy, những giáo viên trẻ tuổi được nhắc đến trong những cuộc tranh luận gần đây chắc chắn không phải là những “điểm đen” về giảng dạy nếu so với mặt bằng chung. Chính bản thân Dan Hauer cũng đã có lời khen ngợi nhất định dành cho họ ở Video clip tiếp theo đó.
Sẽ như thế nào, nếu hàng chục ngàn giáo viên Việt Nam đang giảng dạy tiếng Anh biến mất đi, và thay vào đó là những giáo viên bản ngữ. Đây sẽ là điều khó có thể xảy ra nếu nhìn vào xu hướng gần đây ở những nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia … khi mà giáo viên dạy tiếng Anh ở địa phương ngày càng cải thiện và những nghiên cứu về lợi thế của giảng dạy song ngữ trong các chương trình cũng mang đến những thay đổi tích cực.
Tóm lại, từ một cái hay ban đầu giữa vai trò của người hướng dẫn sửa sai giữa các đồng nghiệp, dẫn tới những quy kết không đúng mực trong cộng đồng mạng đã tạo nên những hiệu hứng khá tiêu cực cho những học viên học tiếng Anh. Mong rằng, mọi người sẽ cởi mở hơn và trân trọng những giá trị mà chúng ta đã và đang nhận được từ phía đối phương.